Ngày 12/12, ông Thích Minh Tuệ cùng năm người khác đã bắt đầu bộ hành đến Ấn Độ từ cửa khẩu Bờ Y, biên giới Việt – Lào, theo báo Dân Việt.
Ông Thích Minh Tuệ trong một chuyến đi khất thực tại Việt Nam. Nguồn ảnh: dantri.com.vn
Đoàn đã có mặt trên đất Lào vào đêm cùng ngày. Lộ trình của đoàn được giữ kín để tránh gây chú ý và cản trở không cần thiết.
Trong năm thành viên của đoàn có Tiến sĩ Đoàn Văn Báu, nguyên thượng tá, giảng viên khoa Tâm lý, Trường đại học An ninh Nhân dân.
Trước đó, ngày 26/11, nhiều tờ báo trong nước đăng tải một bức thư viết tay được cho là của Thích Minh Tuệ. Trong thư, ông bày tỏ mong muốn đi bộ tới quê hương của Đức Phật.
Thích Minh Tuệ, tên thật là Lê Anh Tú, sinh năm 1981 tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Từ tháng 5/2024, ông nổi lên như một hiện tượng khi đi bộ khất thực dọc chiều dài đất nước.
Nhà nước siết chặt quyền lập hội, tự do ngôn luận
Ngày 16/12, Nghị Định 88 công bố một bản phân tích dài 41 trang về các quy định mới trong nghị định liên quan đến tổ chức, hoạt động và quản lý hội.
Trước đó, ngày 8/10, Chính phủ ban hành Nghị định 126/2024/NĐ-CP, thay thế Nghị định 45/2010 trước đây. Điểm nổi bật trong nghị định này là yêu cầu mọi công dân Việt Nam phải xin phép Chính phủ nếu muốn thành lập hội.
Nguyên thượng tá công an tháp tùng Thích Minh Tuệ đến Ấn Độ; nhà nước tiếp tục hạn chế quyền lập hội
Nghị Định 88 đánh giá nghị định mới khiến việc thành lập hội trở nên khó khăn hơn và trao cho nhà nước quyền kiểm soát toàn diện. Các cơ quan có thẩm quyền có thể giám sát chặt chẽ hoạt động, nguồn tài trợ, thậm chí đình chỉ hoặc giải thể các hội. Điều này đi ngược lại Hiến pháp Việt Nam và các chuẩn mực luật pháp quốc tế.
Nghị định này cũng được xem là một bước đi nhằm củng cố sự kiểm soát của Đảng Cộng sản đối với các tổ chức xã hội, ngăn chặn tác động từ quốc tế vào các hoạt động nội bộ trong nước.
Trong một diễn biến liên quan, mới đây, Meta – công ty mẹ của Facebook – đã công bố báo cáo minh bạch, tiết lộ rằng trong nửa đầu năm 2024, mạng xã hội này đã phải hạn chế quyền truy cập hơn 3.200 nội dung (đa phần là những bài viết tại Việt Nam), theo yêu cầu của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Bộ Công an.
Theo Meta, các nội dung này bị cáo buộc vi phạm luật pháp trong nước (chủ yếu dựa trên Nghị định 72/2013/NĐ-CP) như đưa tin sai lệch, vu khống hoặc xúc phạm danh dự tổ chức, cá nhân.
Đáng chú ý, từ khi Luật An ninh mạng có hiệu lực vào ngày 1/1/2019, số lượng nội dung bị hạn chế trên Facebook đã tăng qua từng năm. Cụ thể, năm 2019, gần 200 mục; năm 2020, hơn 3.000 mục; năm 2023, gần 5.000 mục.
Trước đó, ngày 9/11, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật An ninh mạng, trong đó yêu cầu người dùng mạng xã hội phải định danh tài khoản cá nhân trước khi đăng bài.